Luật Nhân Quả Là Gì? Liệu Có Tồn Tại Thật Hay Không?

Luật Nhân Quả Là Gì? Liệu Có Tồn Tại Thật Hay Không?

Luật nhân quả là gì? liệu rằng trong cuộc sống có tồn tại luật nhân quả thật hay không? Mọi thắc mắc này sẽ được Hướng Về Phật Giáo giải đáp trong bài viết dưới đây.

Luật nhân quả là có thật. Nó là một quy luật tất yếu, dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống. Quy luật này luôn luôn tồn tại, có nhân ắt có quả. Ông bà ta ngày xưa đã khái quát luật nhân quả với nhiều phương thức biểu hiện khác nhau, bằng ca dao, tục ngữ, lưu truyền lại cho thế hệ con cháu sau này.

“Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ”

“Ác giả ác báo, thiện giả thiện lai”

“Ăn mặn thì khát nước”

“Gieo gió, gặt bão”

“Xởi lởi trời cho, so đo trời lấy”

“Gieo nhân nào, gặt quả đó”

Có thể dễ dàng nhận thấy trong các câu ca dao trên luôn đi theo hướng “nguyên nhân” dẫn đến “kết quả”. Các cặp nguyên nhân kết quả luôn đi liền với nhau như: “ở hiền – gặp lành”, “gieo gió – gặt bão”, “ác giả – ác báo”…

Vậy quy luật nhân quả thực chất là gì?

Luật nhân quả là gì?

Luật nhân quả là một quy luật của vũ trụ, nó vận hành tự nhiên, không thể bị chi phối, nhằm duy trì hình thái cân bằng, trật tự của vạn vật.

Giải thích về luật nhân quả là gì?
Giải thích về luật nhân quả là gì?

Giải nghĩa cặn kẽ từng từ ra thì ta có:

“Quy luật”: là những hiện tượng có tính logic, được lặp đi lặp lại, mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống hằng ngày.

“Nhân – Quả”: có thể hiểu là nguyên nhân tạo ra kết quả. Nguyên nhân nào thì tạo ra kết quả tương ứng. “Nhân – Quả” ở đây có thường là hành động, cũng có thể là suy nghĩ, sự vật, hiện tượng. “Nhân – Quả” có tác động tới chính nó, hoặc các sự vật, hiện tượng có liên quan.

Nguyên nhân A có thể tạo thành kết quả B. Kết quả B có thể chính là nguyên nhân tạo thành sự việc C. Sự việc C lại tạo nên kết quả D… Các sự việc này có tính chất vòng lặp nối tiếp nhau.

Luật nhân quả có thật không?

Nếu bạn đã biết định nghĩa về “luật nhân quả là gì” thì có thể hiểu đây là luật của vũ trụ, nó hiện hữu trong từng khía cạnh của cuộc sống. Khi nhìn vào một sự vật hiện tượng, ta xác định đâu là nghiệp quả để xác định nguyên nhân phía trước, hay tìm hiểu nguyên nhân để nhìn ra nghiệp quả đằng sau.

Ví dụ đơn giản như ta trồng hạt táo, khi hạt nảy mầm lớn lên sẽ cho ta cây táo. Không thể ta trồng hạt táo mà lại cho cây cam, cây đào hay con heo, con gà được. “Nhân” là hạt táo thì “Quả” nhận được phải là cây táo.

Cũng cây táo đó, nếu ta chăm vun trồng, bón phân, tưới nước, chăm trừ sâu bệnh, khi cây táo ra hoa đậu quả, sẽ cho ta những quả táo ngon ngọt. Vậy nhân ở đây là sức lao động của chúng ta, sự chăm chỉ làm việc, thành quả tạo ra là có những quả táo ngọt để ăn.

Nhưng, cũng cây táo đó, nếu ta lười chăm tưới, lười trừ sâu bệnh, thì có khả năng sẽ bị mất mùa, không đậu quả, hoặc quả dễ bị hư hỏng, thối nát nhiều. Tệ hơn nữa là cây có thể bị chết.

Mỗi nhân khác nhau sẽ tạo ra một kết quả tương ứng, không hề giống nhau. Tuy nhiên, các kết quả này sẽ luôn tuân theo bản chất của luật nhân quả: “Làm việc thiện, điều tốt, sẽ gặt quả ngọt. Làm việc xấu, điều ác, sẽ gặt quả đắng.”

Luật nhân quả trong đạo Phật

Trong đạo Phật nói về quy luật nhân quả ra sao?
Trong đạo Phật nói về quy luật nhân quả ra sao?

Phật giáo là một trong những tôn giáo lâu đời nhất. Vậy có phải Phật giáo đã khám phá và thuyết giảng về quy luật nhân quả đến mọi chúng sinh hay không?

Sự thật là không. Theo giáo lý nhà Phật, thì luật nhân quả là quy luật tồn tại một cách khách quan, không phải do Đức Phật hay bất kỳ một vị Bồ Tát, La Hán nào tạo nên cả. Đức Phật chỉ đem cái quy luật phổ biến rộng rãi cho chúng sinh được biết. Từ đó, chúng sinh biết tự đối chiều lại bản thân, tích cực tu tập, chăm làm điều thiện lành, tránh xa điều tà ác.

Không chỉ ở mỗi đạo Phật, quy luật nhân quả còn thấy ở nhiều tôn giáo khác nhau, từ đạo Công Giáo, đạo Hindu, đạo Hồi… Tuy giáo lý, tên gọi, cách tổ chức, hình thái khác nhau, nhưng điểm chung của các Đạo là luôn khơi gợi con người hướng thiện, tích cực tu tập, sống hòa bình bác ái với nhau.

Luật nhân quả trong Phật giáo biểu hiện như nào?

Trong Đạo Phật, nhân quả hay còn gọi là nghiệp hay nghiệp quả. Nghiệp quả của mỗi người là do chính bản thân họ tự tạo ra. Tùy vào cơ quan tạo tác, hay phương thức tạo nghiệp, mà nghiệp quả được chia thành ba loại là:

  • Thân nghiệp: nghiệp do thân thể hành động tạo ra.
  • Khẩu nghiệp: nghiệp do lời nói của bản thân mình.
  • Ý nghiệp: nghiệp do suy nghĩ của chính mình.

Mặt khác, nếu xét theo bản chất, tính chất của nghiệp đó, thì lại được chia thành ba loại:

  • Thiện nghiệp: là những nghiệp tốt, thuận với đạo lý, giúp ích cho bản thân mình và người khác.
  • Ác nghiệp: là những nghiệp trái với luân thường đạo lý, gây đau khổ, tai họa cho người khác.
  • Không thiện không ác: không đem lại ích lợi nhưng cũng không có ác ý hại người.

Ví dụ cho bạn đọc dễ hiểu:

  • Thân nghiệp tốt: là những hành động giúp xây đình xây chùa, cứu trợ đồng bào, giúp đỡ những có hoàn cảnh khó khăn, chữa bệnh cứu người…
  • Thân nghiệp ác: là những hành động như phá đình, phá chùa, tra tấn, đánh đập người khác, gây đau đớn, tổn hại về mặt thể xác cho họ.
  • Khẩu nghiệp tốt: nói lời hay ý đẹp, thuyết giảng, phổ biến các đạo lý, kinh Phật, dạy dỗ người khác phát triển, hướng thiện…
  • Khẩu nghiệp ác: thóa mạ, chửi bới người khác. Đe dọa, hành hạ người khác về mặt tinh thần. Buông lời lẽ bất thiện với Phật, Tăng, Ni…
  • Ý nghiệp tốt: luôn mong muốn giúp người trở lên tốt đẹp, hướng thiện hơn. Lan tỏa tình yêu thương, mong muốn cho cuộc sống tốt đẹp hơn, bớt chiến tranh, tật bệnh.
  • Ý nghiệp xấu: luôn muốn gây xung đột, chia rẽ, mang tâm lý hãm hại người khác, để đạt lợi ích cho mình…

Qua các ví dụ trên có thể thấy rằng, nghiệp quả của mỗi người là do chính bản thân họ tạo lên, hay nghiệp quả có thể gọi là nhân nghiệp. Nhân nghiệp được hình thành qua ba hình thức là thân nghiệp, ý nghiệp và khẩu nghiệp. Nhân nghiệp có thể là thiện nghiệp, cũng có thể là ác nghiệp, cũng có thể là không thiện không ác.

Nhân duyên trong “luật nhân quả”

Chắc hẳn, ta ít nhất cũng một lần nghe được về hai chữ “hữu duyên” và “vô duyên”. Hữu duyên được biết đến Phật Pháp, hữu duyên được gặp các vị tăng, sư, được nghe giảng đạo lý, giáo lý, được cảm hóa, giác ngộ.

Vô duyên ở đây không phải là hành động thô lỗ, bất lịch sự khi giao tiếp. Vô duyên có thể hiểu là không có duyên gặp mặt, dù điều kiện có thể ở sát gần nhau.

Trong Đạo Phật, duyên có thể hiểu là điều kiện, khi kết đủ “duyên” thì “nhân ắt tạo quả”. Trong ví dụ đầu tiên về việc gieo trồng hạt cây để tạo quả, duyên ở đây chính là không khí, nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm…

Nếu ta gieo hạt cây vào mùa đông, khi thời tiết khắc nghiệt, thì hạt giống rất khó để đâm chồi, hoặc tệ hơn là có thể bị chết. Tuy nhiên, nếu gieo hạt vào mùa xuân khi khí hậu ấm áp, nhiệt độ, ánh sáng đầy đủ, thì cây sẽ phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ.

Hạt cây gieo mầm vào trong lòng đất đã gọi là có nhân rồi. Nhưng hạt cây phải chờ thời, chờ duyên, đến khi đủ tất cả mọi điều kiện, thiên thời, địa lợi nhân hòa, khi ấy mới có thể nảy mầm, tạo ra nghiệp quả.

Luật nhân quả trong cuộc sống

Sự thật về luật nhân quả ở đời
Sự thật về luật nhân quả ở đời

Con người khi sống ở đời cũng vậy. Nếu ta làm việc tốt, việc thiện thì coi như ta kết được một thiện duyên, gieo được hạt mầm về phước đức. Nhưng hỏi gieo thiện duyên rồi có thể gặt được thiện quả hay không?

Có, gieo thiện duyên ắt sẽ gặt thiện quả, chỉ là phải chờ khi hữu duyên. Khi đầy đủ về duyên thì những phước đức ta gieo trong kiếp này hay vô lượng kiếp về trước sẽ kết quả, đem lại cho chúng ta những điều thiện lành.

Trong cuộc sống, có thể dễ dàng thấy được những người có được cuộc sống may mắn, suôn sẻ, dễ dàng. Để rồi, khi so sánh lại với bản thân, ta lại tự thấy mình sao lại kém may mắn đến thế. Tại sao ta cũng làm việc thiện, kết thiện duyên mà sao lại không được như họ nhỉ?

Nếu bạn đọc từng có suy nghĩ này thì hãy bình tâm lại và sáng suốt suy nghĩ, soi xét. Nhân quả của mỗi người tạo là khác nhau, nhân duyên của mỗi người là khác nhau, nên trái ngọt hay trái đắng, thời điểm tiếp nhận cũng khác nhau.

Gieo thiện nghiệp cũng giống như ta trồng một cái cây, trong khi làm việc thiện, gieo thiện duyên lại giống như việc tưới nước, bón phân, vun trồng vậy. Mỗi loại cây lại có thời gian sinh trưởng khác nhau, có loại cây ngắn ngày, cũng có loại cây dài ngày.

Cây ngắn ngày sẽ cho thời gian thu hoạch sớm, từ vài tháng đến một năm. Cây dài ngày thì thời gian thu hoạch sẽ chậm lại, nhưng bù lại quả ngọt chúng ta hưởng lại là quả lớn. Thời gian tích lũy càng lâu thì phần thưởng nhận được càng lớn.

Ví dụ như cây mít. Từ lúc gieo hạt nảy mầm đến lúc đậu quả phải mất từ một năm rưỡi đến hai năm. Có thể lâu hơn, tùy từng giống mít. Thời gian chờ đợi tuy dài nhưng sẽ cho thành quả có được là xứng đáng. Với giống mít Thái, một năm có thể thu hoạch được 2 lứa, mỗi lứa khoảng 3 trái, mỗi trái từ 10-15 kg.

Cây lạc có thời gian sinh trưởng ngắn hơn mít. Từ lúc gieo trồng đến lúc thu hoạch chỉ từ ba đến bốn tháng. Trung bình 500 mét vuông đất sẽ cho thu hoạch từ 7-10 kg lạc vỏ.

Bạn đọc thấy đó, mỗi loại cây trồng khác nhau sẽ có thời gian và kết quả thu hoạch khác nhau. Điều này cũng giống như thiện nghiệp ta gieo vậy.

Nếu thiện nghiệp bạn gieo như là hạt giống cây lạc, bạn sẽ không thể mong nó cho thu hoạch giống như cây mít được. Mà sau mỗi lần thu hoạch, bạn phải phá bỏ đi để trồng lại cây khác.

Ngược lại, nếu thiện nghiệp bạn gieo là hạt giống cây mít, bạn không thể mong là chăm bón phân, tưới nước nhiều, để sau 3-4 tháng cho thu hoạch như cậy mít được. Khi tích đủ duyên hạt giống thiện nghiệp mới kết quả. Sự chờ đợi luôn có giá trị riêng của nó vậy.

Do đó, nếu bạn đang trên con đường tu tập, tích đức, hành thiện mà  quả ngọt chưa đến với bạn thì đừng có nản chí. Biết đâu, là do ta chưa đủ điều kiện, đủ nhân duyên thôi. Hãy kiên trì và tiếp tục con đường. Khi duyên tới, bạn sẽ được hưởng thụ nhiều hoa thơm, quả ngọt.

Người gieo nghiệp ác có gặp luật nhân quả không?

Người gieo nhân ắt sẽ gặp quả
Người gieo nhân ắt sẽ gặp quả

Như đã đề cập về luật nhân quả là gì, thì nó là quy luật của vũ trụ, có thật và luôn luôn chính xác. Nghiệp quả, báo ứng có thể không đến ngay nhưng nó chắc chắn sẽ xảy ra.

Những người gặp nhiều may mắn có thể là trong quá khứ, từ vô lượng phước về trước, họ đã làm nhiều điều tốt, phước đức họ lớn. Cũng có thể họ được hưởng phước đức từ bố mẹ, ông bà, tổ tiên đã làm nhiều việc thiện lành.

Tuy nhiên, nếu không chịu tu tập, làm việc thiện, tích lũy phước đức mà chỉ biết ăn chơi, hưởng thụ thì phước đức dày mấy cũng sẽ tiêu tan hết. Khi đó, những ác nghiệp mà họ đã từng gây ra sẽ ập đến. Không thiếu những ví dụ về những người giàu có khi còn trẻ chỉ biết hưởng thụ, ăn chơi, phải sống cuộc sống nghèo khổ, chật vật khi tuổi xế chiều.

Ngược lại, những người có cuộc sống vất vả, khó khăn biết tích đức hành thiện, giúp người, giúp đời, kết nhiều thiện duyên. Càng nhiều tuổi, thiện duyên họ càng lớn, nghiệp quả đã trả hết, khi đó cuộc sống của họ lại càng đi lên, được hưởng nhiều quả ngọt.

Sự hưởng quả ngọt ở đây không phải là chỉ gói gọn trong vấn đề giàu có, tài chính, mà còn mở rộng ra nhiều khía cạnh, tùy thuộc vào sự quan tâm của người đó.

Có thể là niềm vui tuổi già khi được quây quần bên con cháu, nhìn con cháu, trưởng thành, xây dựng công danh sự nghiệp. Cũng có thể là những bác sĩ, nhà giáo thời trẻ âm thầm cừu người, giúp đời, dạy dỗ các mầm non tương lai, khi về già nhận được sự yêu quý, kính trọng của xã hội.

Đơn giản hơn có thể là những người bạn tốt thời trẻ cùng giúp đỡ nhau, về già lại cùng nhau trải qua cái tuổi mà xưa nay hiếm. Sống thì an nhàn, thân không bệnh tật, chết thì nhẹ nhàng, thân không đau đớn.

Bài viết này, Hướng Về Phật Giáo đã giải thích cho bạn về luật nhân quả là gì? Và những thông tin xoay quanh về quy luật này. Hy vọng biên soạn của chúng tôi sẽ đem lại những điều cần thiết cho bạn, cảm ơn bạn đã theo dõi!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *