tiểu sử thầy thích trúc thái minh

Tiểu sử Thầy Thích Trúc Thái Minh chùa Ba Vàng là ai? Giờ ra sao? Những bài giảng pháp hay của thầy

Hòa thượng Thích Trúc Thái Minh được đông đảo người dân biết đến. Thầy có nhiều bài giảng về cuộc sống và Phật pháp, thu hút hàng ngàn, hàng triệu lượt xem, đem các triết lý của Phật giáo đến hàng vạn người dân. Tuy nhiên, trên con đường tu học của mình, Thầy cũng đã liên quan đến nghi vấn “Tuyên truyền vong báo oán để trục lợi”. Vậy thực hư của những sự việc này là như nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về tiểu sử thầy Thích Trúc Thái Minh qua bài viết dưới đây nhé.

Tiểu sử thầy Thích Trúc Thái Minh

Đại đức Thích Trúc Thái Minh là ai?

Đại đức Thích Trúc Thái Minh là ai?

Thầy Thích Trúc Thái Minh khi chưa xuất gia có thế danh là Vũ Minh Hiếu. Thầy sinh ngày 03/03/1967 tại Làng Sen, thôn Ngọc Quan, xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Thầy đứng hàng thứ 5 trong gia đình có 7 anh chị em.

Gia đình thầy là một gia đình gia giáo, nề nếp, có truyền thống đạo Phật nhiều đời. Thừa hưởng phước đức từ gia đình, cùng với tư chất thông minh, sáng dạ nên từ nhỏ thầy đã tỏ ra mình là một người hiếu học, thông minh, ngoan ngoãn, thiện lương.

Ở nhà, thầy đặc biệt thân thiết và tôn kính bà nội thầy – một người phụ nữ hiền thục, một người cư sĩ tại gia thuần thành, kính tín Tam Bảo. Bởi vậy, thầy được tiếp xúc với các giáo lý, kinh Phật từ sớm, nền cơ sở, nền tảng cho việc xuất gia tu đạo, theo Phật của thầy sau này.

Cơ duyên với Phật pháp đầu tiên của thầy là năm lên 8, khi lần đầu được đọc cuốn kinh về “Chúa Ba chùa Hương”. Cảm động trước câu chuyện, Thầy phát khởi suy nghĩ, chỉ cần có thể làm thuốc cứu chữa cha mẹ, Thầy cũng nguyện dâng hiến cánh tay, mắt hay bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, tựa như hành động của chúa Ba vậy.

Năm 9 tuổi, trong một lần đi chăn trâu, lúc Thầy đang say sưa niệm Phật, thì hình ảnh của Đức Bồ Tát hiện ra giữa những đám mây trắng. Khuôn mặt Bồ Tát tươi đẹp, vui vẻ, vầng hào quang hiện ra xung quanh người rất rạng rỡ, lung linh. Tự nhiên, Thầy cảm nhận được một niềm vui vô hình, đang lan tỏa mãnh liệt trong cả cơ thể mình, đến mọi tế bào, ngóc ngách trong cơ thể.

Ngay khi dắt trâu về, Thầy đã lấy bút mực ra vẽ lại cảnh tượng tươi đẹp ấy. Cũng từ đó, niềm tin về Đức Phật cũng như sự tồn tại của Người đã được hình thành trong Thầy.

Thầy Thích Trúc Thái Minh càng lớn, càng thể hiện sự thông minh, sáng dạ và khả năng học tập hơn người, nổi bật hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Thầy học cấp 3 tại THPT Hồng Quang (nay là chuyên Nguyễn Trãi – Hải Dương). Kết thúc 3 năm học, Thầy được tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm. Tuy nhiên, Thầy lại không chọn ngôi trường này mà quyết định thi và trở thành sinh viên khóa 26 của trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Tốt nghiệp Đại học, với năng lực xuất sắc, thầy được Nhà trường giữ lại làm giảng viên. Thầy đã công tác tại đây 5 năm, sau đó chuyển sang Viện nghiên cứu Chế tạo máy (IMI) thuộc Bộ Công nghiệp.

Cơ duyên theo con đường tu Đạo

Những tưởng cuộc sống cứ thế êm đềm trôi đi, Thầy sẽ tiếp tục con đường sự nghiệp đến tuổi nghỉ hưu, thì ngờ đâu, một sự việc xảy ra đã dẫn đến thay đổi cả cuộc đời Thầy. Trong một lần về thăm quê, Thầy hay tin người chị họ từng thân thiết với mình nay đã mất. Đứng trước nấm mộ của chị, bao nhiêu cảm xúc hỗn độn ập đến bên Thầy.

Thầy tự hỏi bản thân: “Sống để làm gì? Ai chết đi rồi cũng nằm trọng mô, vùi sâu dưới ba tấc đất như ai. Công danh, sự nghiệp còn có ý nghĩa gì? Sống để tranh danh lợi, khi chết đi rồi chỉ còn lại nấm mồ như này? Chết mà thành đống vô danh như này thì cuộc đời sống thật vô nghĩa.”

Những câu hỏi sự sống, cái chết, về giá trị cuộc đời của một con người cứ quẩn quanh trong đầu Thầy, khiến Thầy không thể nào tập trung vào công việc được. Thầy phải đi tìm câu trả lời, đáp án cho câu hỏi này.

Trong giây phút tâm trí rối bời, Thầy tìm đến Phật pháp, nương nhờ sự yên bình nơi cửa Phật, tìm kiếm đáp án trong những giáo lý huyền bí mà thâm sâu. Điểm đến của thầy là chùa Quán Sứ.

Như một định mệnh trong cuộc đời, giữa muôn ngàn sách vở, kinh kệ, thầy lại tìm đến ngay kinh Thủ Lăng Nghiêm. Từng câu chữ trong kinh như những chiếc chìa khóa, tháo gỡ hết tất cả những suy nghĩ đang tồn tại trong tâm trí Thầy. Trong niềm vui sướng, hạnh phúc tột cùng, Thầy đã thốt lên: “Đây rồi, con đường mình phải đi đây rồi, chân lý là đây!”.

Sau đó, sau khi hoàn thành công việc thường nhật, Thầy lại dành thời gian để nghiên cứu kinh Phật, tìm hiểu về đạo lý. Tiếp đó, Thầy lập bàn thờ Phật, làm một Phật tự tu tập tại gia. Một thời gian sau, Thầy cùng một số người bạn thành lập đạo tràng Trúc Lâm Quán Sứ, cùng nhau nghiên cứu Phật học, cùng nhau tu học, cùng nhau tiến bộ.

Một lần có dịp đến thăm nhà một người bạn, thầy bất ngờ khi đọc được bốn câu kệ:

“Muốn thấy thập phương tất cả Phật

Muốn ban vô tận công đức tạng

Muốn diệt chúng sinh tất cả khổ

Phải nên mau phát Bồ đề tâm”.

Bốn câu nói đó như soi rọi con tim Thầy. Thấy biết mình chân thật muốn được phát tâm Bồ đề. Khi đọc được cuốn Khuyến phát Bồ đề tâm văn của Ngài Thật Hiền Đại Sư, Thầy quyết định tìm một vị Thầy để chứng minh cho mình được phát tâm Bồ đề. Từ đó, con đường xuất gia cầu Đạo của Thầy chính thức bắt đầu.

Quá trình tìm Thầy và xuất gia cầu đạo

Quá trình tìm Thầy và xuất gia cầu đạo của thầy Thích Trúc Thái Minh

Ngày 19/06/1998, nhân ngày vía Quán Thế Âm, thầy Thích Trúc Thái Minh, khi đó còn là Vũ Minh Hiếu đã cùng đạo tràng Bồ Đề Quán Sử bắt xe ô tô vào Đà Lạt. Tại đây, dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Thanh Từ đã phát tâm Bồ đề tại Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt.

Những điều nguyện Thầy đã phát tâm là:

– Điều thứ nhất: Quyết chí tu hành cần cầu Phật Pháp. Dù Phật đạo lâu xa cũng không nhàm mỏi. Dù Phật quả khó thành cũng không nản chí. Tinh tấn tu hành tất cả các Pháp cho đến khi giác ngộ viên mãn, thành Phật.

– Điều thứ hai: Chúng sinh dù nhiều cũng không nản chí, dẫu khó độ cũng chẳng sờn lòng, quyết đem ánh sáng Phật Pháp, phổ độ khắp tất cả quần sinh cho đồng thành Phật đạo.

– Điều thứ ba: Hộ trì chính Pháp, giữ gìn ngôi Tam Bảo thường còn mãi ở thế gian không tiếc thân mạng.

– Điều thứ bốn: Luôn luôn giữ gìn tâm Bồ Đề kiên cố, không để quên mất, dù phải trải qua nhiều khó khăn chướng ngại, chúng con cũng quyết không thoái chuyển.

– Điều thứ năm: Nguyện tu học theo mười hạnh nguyện của Đức Phổ Hiền Bồ Tát.

  1. Một là kính lễ chư Phật
  2. Hai là xưng tán Như Lai
  3. Ba là rộng tu cúng dường
  4. Bốn là sám hối nghiệp chướng
  5. Năm là tùy hỷ công đức
  6. Sáu là thỉnh Phật chuyển Pháp luân
  7. Bảy là thỉnh Phật trụ thế
  8. Tám là thường theo học Phật
  9. Chín là hằng thuận chúng sinh
  10. Mười là hồi hướng khắp tất cả.

Trở về từ Đà Lạt, được một thời gian thì Thầy xin nghỉ việc, tập sự xuất gia tại chùa Diên Phúc, Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội, trong vòng 2 tháng. Sau đó, Thầy cùng các thành viên đạo tràng Hiền Trí trở về quê nhà để xin hai cụ thân sinh đồng ý cho Thầy đi xuất gia.

Ngày 15/7/1999 (tức 25/8/1999) thầy xuống tóc, thế phát xuất gia tại Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt. Hòa thượng Ân Sư thượng Thanh hạ Từ đặt Pháp danh cho Thầy là Thích Trúc Thái Minh.

Năm 2002, Thầy Thích Trúc Thái Minh được Hòa thượng Thích Thanh Từ cử ra miền Bắc để góp sức xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử.

Năm 2007, được sự cho phép của Hòa thượng cùng sự thỉnh mời của chính quyền, nhân dân, Phật tử tại phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, Thầy Thích Trúc Thái Minh đã về Trụ trì chùa Ba Vàng.

Sau đó, nhờ sự đóng góp, cúng dường của nhiều Phật tử gần xa, Thầy Thích Trúc Thái Minh cùng các đệ tử đã tiến hành trùng tu lại chùa Ba Vàng với nguồn vốn xã hội hóa gần 500 tỷ đồng.

Ngày 09/03/2014, chùa Ba Vàng tổ chức đại lễ khánh thành và nhận bằng kỷ lục “Ngôi chùa trên núi có chính điện lớn nhất Đông Dương”.

Thầy Thích Trúc Thái Minh và nghi vấn Tuyên truyền vong báo oán trục lợi

Khởi đầu vụ việc, ngày 20/03/2019, báo Lao Động cho đăng tải phóng sự: “Truyền bá về việc vong báo oán, chùa Ba Vàng mỗi năm thu trăm tỉ”. Phóng sự đã nhanh chóng nổi tiếng trên khắp các nền tảng mạng xã hội. Hàng trăm, hàng nghìn người đã bình luận, chia sẻ, thu hút một lượng lớn sự quan tâm của cả cộng đồng.

Trong phóng sự, những người được cho là đang làm việc trong đường dây “thỉnh vong, giải oán” của chùa Ba Vàng đã đưa ra quan điểm là: “Mọi bệnh tật và xui xẻo mà bạn đang gánh chịu trong kiếp này, đều do những oán hồn từ tiền kiếp gây ra.”

Những thông tin về oán hồn, thỉnh vong, giải oán… là những thông tin được chính chùa Ba Vàng sản xuất, in thành những tài liệu, sách vở, phim ảnh hay các bài giảng. Những tài liệu này được công chiếu trong chùa, đồng thời đăng tải lên những mạng truyền thông lớn, có nhiều người truy cập như: Website, Facebook, Zalo, Instagram, YouTube… nhằm tiếp cận tối đa người xem.

Người đứng ra thuyết giảng về những điều này là Đại Đức Thích Trúc Thái Minh – trụ trì chùa Ba Vàng và một người phụ nữ tên Phạm Thị Yến (pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán). Đặc biệt, trong một số video, bà Yến đã đưa ra nhiều thông tin trái với khoa học, cũng như giáo lý đạo Phật.

Cụ thể, khi nói về những người đồng tính, những người thuộc thế giới thứ ba, bà đã cho rằng nguyên nhân của họ là do kiếp trước những người này làm nghề thiến hoạn, nay những oán hồn đến báo oán, mới bị như vậy.

Hay khi nói về bệnh sùi mào gà, một loại bệnh xã hội do quan hệ tình dục không an toàn ở người, mà nguyên nhân do vi rút HPV gây ra, bà Yến đã có những lý giải bất ngờ về nguyên nhân và cách chữa bệnh, nằm ngoài sự hiểu biết của khoa học.

Theo bà Yến, các chàng trai mắc căn bệnh này là do phải chịu quả báo tà dâm từ nhiều kiếp trước. Bà lý giải rằng những người này đã thực hiện các hành vi trái luân thường đạo lý như loạn luân, tà dâm ở những nơi linh thiêng,.. nên mắc những căn bệnh khó chữa ở vùng kín.

Đặc biệt, bà còn nhắc đến vụ án “Nữ sinh giao gà bị cưỡng hiếp và sát hại tại Điện Biên” thương tâm và gây rúng động xã hội thời điểm ấy. Bà nói kết cục của nữ sinh xấu số ấy là do ác nghiệp trong tiền kiếp, cộng hưởng với hành động giết gà (sát sinh) mà cô làm ở hiện tại mà thành. Trong khi đó, cơ quan cảnh sát vẫn đang điều tra làm rõ mọi nguyên nhân trong đó.

Hay như Đại Đức Thích Trúc Thái Minh, trong một clip khác đã khẳng định, gieo vào tâm trí người xem về việc phải “mất tiền, giải oán”. Đại Đức nói: “Phật dạy chúng ta biết bố thí và cúng dường. Mình cúng để giải bệnh, giải nghiệp của mình mà mình lại còn kêu sao? Phật dạy các phật tử mất tiền đấy! Phải mất tiền mới có phúc. Phật dạy bố thí đứng đầu trong lục độ. Chịu khó bố thí đi!…”

Các video về việc “nhân quả“, “thỉnh vong giải nghiệp” này, có trên kênh Youtube và Facebook của nhà chùa, tiếp cận được vô số người xem, khiến số lượng người đến chùa để “thỉnh vong” ngày một lớn.

Đa số những người này, thường gặp những điều khó khăn trong cuộc sống, công việc, tình duyên… Có bệnh thì vái tứ phương, chắc hẳn, khi tìm đến nơi đây, họ đã tuyệt vọng lắm rồi.

Kết cục của việc thỉnh vong này thì ai cũng như ai. Đó là, muốn thoát nạn phải “trả nợ” theo yêu cầu của vong. Việc “trả nợ” này sẽ được thực hiện thông qua hình thức công đức cho nhà chùa. Mức giá của mỗi người mỗi khác nhau, có người từ 5-7 triệu đồng, có người vài chục, có người cả vài trăm triệu đồng.

Những người gặp khó khăn về mặt tài chính, nhà chùa sẵn sàng cho trả góp hoặc được quy đổi ra số ngày làm công quả. Nếu ai đã “thỉnh vong mà không giải oán”, họ sẽ bị đe dọa về mặt tinh thần. Người sẽ bị vong oán đến mức phát điên, người sẽ chịu nhiều vận hạn, tai ương liên tiếp trong nhiều năm.

Ngay trong ngày hôm đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra văn bản hỏa tốc, nêu rõ lực lượng chức năng sẽ kiểm tra, xác minh và làm rõ những thông tin có trong phóng sự. Đồng thời sẽ có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Ngày 21/03/2019 hàng loạt các cơ quan Nhà nước vào cuộc và lên tiếng. Đầu tiên, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã gửi công văn hỏa tốc, số 1014 gửi Bộ Nội Vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ), Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc xử lý các thông tin, liên quan đến việc lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng nhằm trục lợi tại chùa Ba Vàng.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ra văn bản làm rõ thông tin mà Báo Lao Động phản ánh. Bộ trưởng giao Cục Di sản văn hóa chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan liên quan, khẩn trương có văn bản gửi Sở VHTT tỉnh Quảng Ninh, yêu cầu làm rõ các vấn đề về chùa Ba Vàng, đang được dư luận quan tâm.

Ngay sau đó, Ban Tôn giáo Chính phủ đã ra công văn, đề nghị Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) khẩn trương kiểm tra, xác minh để làm rõ. Đồng thời, nhanh chóng có các biện pháp ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm.

Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo, PGS.TS Chu Văn Tuấn đã không định, không có chuyện vong báo oán như tuyên truyền của chùa Ba Vàng, đây là sự tuyên truyền bịa đặt và trục lợi niềm tin từ người dân.

Chủ tịch UBND TP. Uông Bí, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết, sư trụ trì chùa Ba Vàng thừa nhận vụ việc báo Lao Động phản ánh là có thật và đang diễn ra tại chùa. Tuy nhiên, trụ trì cũng khẳng định, việc thu tiền này là dựa theo “yêu cầu của vong” và do Phật tử hoàn toàn tự nguyện, không có sự ép buộc ở đây.

Ngay buổi chiều ngày 21/03/2019, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng trị sự của GHPGVN, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho hay: “Không có việc “thỉnh vong” để hóa giải nghiệp, oan gia. Bởi cái nghiệp của mình phải tự mình phải làm việc tốt để hóa giải nghiệp cho mình. Chứ việc “thỉnh vong” là hoàn toàn không đúng. Dẫn dắt con người đi theo con đường đó là không đúng theo chính pháp. Đây là dẫn dắt con người ta vào con đường tà kiến, mê lợi.”

Tiến sĩ, Thượng tọa Thích Nhật Từ cũng khẳng định: “Không có thuyết “thỉnh oan gia trái chủ” trong tổng số 38.000 bài kinh còn lưu lại dưới dạng văn tự trên thế giới của Đức Phật. Đức Phật có nói rõ trong Kinh, có 3 quan điểm học thuyết nguy hại cho đạo Phật. Một trong 3 quan điểm học thuyết nguy hại là thuyết “Định mệnh luận” (Thuyết cho rằng số phận con người là do nghiệp quá khứ quyết định).

Thuyết này cho rằng tất cả những gì mà con người ở hiện tại đang gánh vác và chịu đựng đều có gốc rễ 100% từ quá khứ. “Nghiệp” trong quá khứ đã tạo ra số phận an bài. Đây chính là thuyết mà Đức Phật đã cực kỳ lên án vì như thế con người sẽ không nỗ lực rèn luyện đạo đức trong cuộc sống hiện tại và ở tương lai”.

Ngay tối hôm đó, Đại Đức Thích Trúc Thái Minh đã có buổi livestream kéo dài 2 tiếng trên các trang mạng xã hội của chùa, cùng sự chứng kiến của hàng trăm Phật tử đang có mặt. Tại buổi thuyết giảng, thầy đã khẳng định rằng chùa Ba Vàng là chùa lớn, có tiếng trong cả nước, nên nhiều đối tượng ghen ghét, đố kỵ, ngoại đạo muốn bôi nhọ, ác hại.

Ngoài ra, vị trụ trì chùa Ba Vàng vẫn khẳng định oan gia trái chủ hoàn toàn có thật và chùa Ba Vàng có lễ giải oán kết, giải oan gia trái chủ.  Thầy đã cho nhiều nhân chứng lên chia sẻ câu chuyện của mình, trong đó có chị Nguyễn Thị Quỳnh Phương, giám đốc một doanh nghiệp tại Hà Nội và một bác sĩ của bệnh viện Bạch Mai.

Ngày 22/03/2019 Công an tỉnh Quảng Ninh vào cuộc để làm rõ sự việc. Trong ngày hôm đó, báo Lao Động tiếp tục lên hình phóng sự “Gọi vong ở chùa Ba Vàng: Những cuộc ngã giá trong “căn phòng cuối””.

Sau phóng sự này, đến ngày 23/09/2019 hàng loạt nạn nhân của hoạt động “gọi vong, giải oán” tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, đã đồng loạt lên tiếng về màn thỉnh vong có dấu hiệu lừa đảo này.

Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đã trả lời, hiện tượng “trục vong”, “gọi hồn” này hoàn toàn không có trong truyền thống đạo Phật, nếu các cơ sở tôn giáo thực hiện hành vi trên, nghĩa là đang vị phạm luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Cùng ngày, báo Lao Động lại tiếp tục đăng tải thêm bài viết, về tâm sự của một trong 40 vị tăng ni, đã từng tu tập tại chùa Ba Vàng, đã từng bỏ đi vì không chịu được những quy định mới, hay hiện tượng “gọi vong, báo oán” sai trái này.

Ngày 24/03/2019 UBND TP Uông Bí đã có công văn, yêu cầu chùa Ba Vàng chấm dứt các hoạt động sai trái đang diễn ra. Ngay sau đó, hàng trăm bài viết, hình ảnh, video trong chuyên mục “Thỉnh oan gia trái chủ” đã bị gỡ bỏ trên website chùa Ba Vàng.

Ngày 25/03/2019 trên website của chùa, hình ảnh của bà Phạm Thị Yến và sư trụ trì – Đại Đức Thích Trúc Thái Minh đồng loạt biến mất.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Phong – làm việc tại khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, người đã xuất hiện trong livestream tối 21/03 cũng đã lên tiếng xin lỗi tới toàn thể nhân dân cả nước, vì những phát ngôn gây hiểu lầm của mình.

Trung tướng Lương Tam Quang, chánh văn phòng Bộ Công an lên tiếng cho biết vụ việc tại chùa Ba Vàng sẽ được tiếp nhận, đánh giá và xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

Trong buổi họp báo ngày 26/03/2019 Đại diện UBND TP Uông Bí khẳng định Đại Đức Thích Trúc Thái Minh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về các hoạt động. Đồng thời, bà Phạm Thị Yến bị phạt hành chính 5 triệu đồng.

Trung Ương GHPGVN cũng đã khẳng định việc thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ của chùa Ba Vàng là sai trái, ảnh hưởng đến thanh danh của Giáo hội, Tăng đoàn. Do đó, tạm thời đình chỉ mọi chức vụ trong Giáo hội đối với Đại Đức Thích Trúc Thái Minh, đồng thời Đại Đức phải sám hối Đại Tăng 49 ngày, dưới sự giáo giới của Thượng Tọa Thích Thanh Quyết.

Sáng ngày 27/03/2019 con trai bà Phạm Thị Yến đã thay mặt mẹ, đi đóng 5 triệu tiền phạt.

Ngày 12/07/2019 Đại đức Thích Trúc Thái Minh bị bãi nhiệm toàn bộ chức vụ trong GHPGVN bao gồm các chức danh:

  • Ủy viên dự khuyết Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
  • Phó ban Thông tin truyền thông của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
  • Phó ban thường trực Ban trị sự Phật giáo tỉnh Lai Châu.
  • Ủy viên thường trực Ban trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh.

Thầy Thích Trúc Thái Minh giờ ra sao?

Tuy đã miễn nhiệm toàn bộ chức danh khỏi Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, nhưng Đại Đức Thích Trúc Thái Minh vẫn đảm nhận chức vụ trụ trì chùa Ba Vàng cho đến nay.

Từ sau khi thành tâm sám hối, thầy đã thay đổi, đồng thời có nhiều hành động thiết thực để duy trì hoạt động tại chùa Ba Vàng theo đúng mục đích và vai trò của nhà Phật, từng bước sửa chữa những sai lầm trong quá khứ.

Tháng 8 năm 2022, Đại Đức Thích Trúc Thái Minh được bổ nhiệm làm phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2022-2027, kiêm trưởng Ban Phật giáo quốc tế tại Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Bình lần thứ IV.

Việc bầu Đại Đức vào Ban trị sự Phật giáo Quảng Bình đã đối chiếu theo những quy định của pháp luật, đồng thời đã nhận được sự đồng thuận của các sở, ban ngành. Giáo hội Phật giáo Quảng Bình giới thiệu và Sở Nội vụ có văn bản chấp thuận và sau đó đưa ra Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Bình để bầu cử.

Trước đó, vụ việc lợi dụng việc truyền vong báo oán của thầy Thích Trúc Thái Minh tại chùa Ba Vàng, Quảng Ninh đã gây xôn xao dư luận một thời. Đại Đức cũng đã bị miễn nhiệm hết chức vụ trong Giáo hội Phật Giáo Việt Nam.

Tuy nhiên, quy trình bổ nhiệm lần này là đúng theo quy định của pháp luật. Luật chỉ có quy định với có những từng có tiền án, tiền sự.

Những bài giảng pháp hay của thầy Thích Trúc Thái Minh

Thầy Thích Trúc Thái Minh có nhiều bài giảng pháp hay, cập nhật liên tục. Hiện tại, kênh Youtube của thầy có hơn 1700 videos bài giảng. Bạn đọc quan tâm có thể truy cập Youtube của thầy để tiện theo dõi.

  • Theo Đức Phật Chết Rồi Nên Chôn Hay Thiêu?

  • Vì sao lại che gương khi nhà có đám tang?

  • Lấy chồng theo phúc nhà chồng, đúng hay sai?

Trên đây là những thông tin về tiểu sử thầy Thích Trúc Thái Minh mà Hướng Về Phật Giáo biên soạn, mọi đóng góp ý kiến xin hãy liên hệ với chúng tôi qua hòm thư trực tuyến [email protected]. Xin cảm ơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *